Dàn ý phân tích hình ảnh chân dung người lính tây tiến

11/05/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toàn
Dàn ý phân tích hình ảnh chân dung người lính tây tiến

 Bài thơ Tây Tiến là một trong những bài thơ xuất sắc nhất trong kho tàng văn học Việt Nam thời kì chống Pháp. Cho đến tận ngày hôm nay, khúc ca hào hùng mà không kém phần bi tráng mang tên Tây Tiến vẫn còn nguyên vẹn sức hấp dẫn của mình.

Bài thơ đã khắc họa nên chân dung người lính tây tiến vừa lẫm liệt lại vừa nên thơ, giữa núi rừng Tây Bắc thăm thẳm mênh mông. Có thể nói, hình tượng người lính Tây Tiến là một hình tượng vừa độc đáo lại vừa có tính phổ quát giữa những tháng ngày khói lửa chiến tranh khốc liệt.

Xem thêm: 

1, chân dung người lính tây tiến hiện lên với vẻ đẹp dữ dội, lẫm liệt

Người lính Cụ Hồ đã trở thành bến đậu nghệ thuật, điểm dừng chân khơi nguồn cho sức sáng tạo không bao giờ vơi cạn trong trái tim người nghệ sĩ. Vẫn còn đó hình ảnh người lính “miệng cười buốt giá chân không giày” trong thơ Chính Hữu, và rồi Quang Dũng đã làm nên Tây Tiến – một bài ca không bao giờ quên, bài ca ấy đã thắp sáng lên ngọn lửa của lí tưởng, bài ca soi sáng rạng ngời chân dung người lính cụ Hồ mà cụ thể là chân dung người lính tây tiến. Nó cũng là bài ca đã neo đậu trong sâu thẳm trái tim người dân đất Việt mỗi khi tìm về lịch sử. Quang Dũng đã tinh lọc những nét khái quát nhất, tiêu biểu nhất để dựng nên bức tượng đài nghệ thuật bất hủ về hình tượng đoàn quân Tây Tiến. Bức tượng đài ấy viết lên bằng cảm hứng lãng mạn nhuốm màu sắc bi hùng, bi tráng chứ không hề bi thương, bi lụy.

 

Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trong lễ mừng chiến thắng giải phóng Sầm Nưa, chiến dịch Thượng Lào

Luận điểm thứ nhất trong dàn ý chân dung người lính tây tiến là vẻ đẹp dữ dội, lẫm liệt. Cụ thể, hình ảnh đoàn binh Tây Tiến hiện lên với những chi tiết vô cùng độc đáo

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Hai câu thơ là hình ảnh tả thực về những người lính tây Tiến. Những chàng trai với mái đầu “không mọc tóc”, với nước da ngăn ngắt xanh đâu phải sản phẩm của trí tưởng tượng để tạo nên sự giật gân, li kì. Mà đó là hiện thực khốc liệt của những năm tháng chiến tranh không thể nào quên. Do ốm đau bệnh tật khiến các anh rụng tóc, trụi đầu song cách dùng từ độc đáo đã chuyển việc không mọc tóc từ bị động sang chủ động. Chất ngang tàng, kiêu dũng, xem thường gian lao của người lính Tây Tiến là được thể hiện ngay từ những chi tiết đời thường như thế.

Nét vẽ thứ hai trong chân dung người lính tây tiến là hình ảnh “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Đó là màu xanh của bộ quân phục người chiến sĩ hay màu xanh của những vòm lá ngụy trang, hay màu xanh vì căn bệnh sốt rét rừng hằn in trên đoàn quân Tây Tiến. Da đầu rụng hết, da dẻ xanh xao vàng vọt thật, nhưng những người lính Tây Tiến vẫn giữ được vẻ uy nghi lẫm liệt như hùm hổ chốn rừng thiêng: “dữ oai hùm”. Bao nhiêu sức mạnh nội lực, sự can trường của người lính như dồn nén vào câu chữ để tôn lên sức mạnh kì diệu của con người bắt nguồn từ lòng yêu nước đang rần rật chảy trong từng đường gân, thớ thịt của những chàng trai Hà Thành. Quang Dũng đã phát huy triệt để hiệu quả của biện pháp đối lập giữa vẻ bề ngoài và nội tâm. Nhìn vẻ bề ngoài người lính vừa tiều tụy, vừa can trường, vừa mang khí phách của một hiệp sĩ, vừa như những người khổng lồ không có trái tim. Thế nhưng đó chỉ là lớp vỏ bao bọc hạt ngọc tâm hồn hào hoa, lịch lãm và lãng mạn trong chân dung người lính tây tiến

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Hai câu thơ thể hiện sự đối lập rõ rệt về hình ảnh người lính Tây Tiến. Nếu câu thơ trên miêu tả một đôi mắt tràn ngập sự căm thù giặc, lòng quyết tâm đánh đuổi kẻ thù của người lính thì đến câu thơ thứ hai, hình ảnh người lính lại hiện lên rất đỗi dịu dàng.

 Chân dung người lính Tây Tiến trong kháng chiến chống Pháp hiện lên tràn ngập quyết tâm trên mỗi bước đường hành quân

Ánh mắt trừng chứa đầy cảm xúc, đầy nội tâm. Phải chăng đó là ánh mắt căm phẫn, uất nghẹn như muốn nuốt chửng kẻ thù xâm lăng, cũng có thể là ánh mắt đau đáu hướng về quê hương, chân dung người lính tây tiến hiện lên với ánh mắt bồn chồn, thao thức thăm thẳm suy tư nặng trĩu nỗi niềm đầy ám ảnh. Đằng sau ánh mắt ấy là cả một niềm khao khát, mang theo giấc mộng chiến thắng, hứa hẹn ngày trở về. Đôi khi giữa ánh mắt xa xăm rạo rực khắc khoải xen lẫn giấc mơ về Hà Nội. Người lính Tây Tiến xa Hà Nội mang theo “dáng kiều thơm”. Một cách cảm nhận thật nho nhã, lịch lãm, nỗi nhớ trở nên vời vợi hơn, đằm thắm, ngọt ngào da diết hơn. Dáng kiều thơm – bóng dáng những thiếu nữ Hà thành dịu dàng duyên dáng. Vẻ đẹp tâm hồn hào hoa, lịch lãm, lãng mạn của những chàng trai “xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc”. Khổ thơ đã khắc họa hình tượng chân dung người lính Tây Tiến trong khắc nghiệt, gian khổ trên chặng đường hành quân. Sau những giờ hành quân nhọc nhằn, người lính Tây Tiến tìm về nét tính cách hào hoa, lãng mạn trong tâm hồn, tìm về vầng sáng lung linh trong kí ức – những thiếu nữ Hà Thành

2, vẻ đẹp bi tráng trong chân dung người lính tây tiến

Sang đến khổ thơ tiếp theo, giọng thơ bỗng nhiên lắng xuống, da diết hơn, dấy lên những nỗi mất mát, tang tóc đau thương được dồn nén trong từ rải rác. Thật vậy! Trên những chặng đường hành quân , bao đồng chí, đồng đội của nhà thơ trong đoàn quân Tây Tiến đã ngã xuống, gửi thân xác mình nơi khe suối sườn đèo, những nấm mồ dọc theo con đường hành quân.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Một loạt những từ Hán Việt như biên cương, viễn xứ được sử dụng để trang trọng hóa, cổ kính, vĩnh hằng và bất tử hóa đức hi sinh trong chân dung người lính tây tiến. Có biết đâu những nấm mồ xanh cỏ, nơi ải nước xa xôi, hoang vu, lạnh lẽo mãi trở thành mộ chí tôn nghiêm. Họ nằm xuống nhưng không mất đi mà hóa thành hồn thiêng sông núi để sống muôn đời với dân tộc Việt Nam anh hùng.

Hai câu thơ đã khép lại một lần nữa tô đậm đức hi sinh của những chàng trai đất Hà thành được Quang Dũng thể hiện qua âm hưởng thơ trầm hùng, bi tráng

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

 Sông Mã là nguồn cảm hứng lớn xuyên suốt bài thơ Tây Tiến với câu thơ mở đầu “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!” và câu thơ kết bài “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Quang Dũng đã có lần tâm sự: “Lính Tây Tiến ngã xuống, manh chiếu không đủ che thân, đồng chí, đồng đội vào những bản làng xa xôi để xin chiếu, khi hiểu rõ mục đích của việc xin chiếu, già làng không cầm được nước mắt, họ cùng nhau đan những phên nứa cho các anh bó gối thi hài đồng đội”. Vậy là hình ảnh áo bào được lí tưởng hóa – một hình ảnh tượng trưng để xua đi cái bi thương, bi lụy, lấy lại cái bi hùng, tráng lệ cho sự hi sinh. Đây là một luận điểm quan trọng học sinh cần hết sức lưu ý khi làm đề cảm nhận vẻ đẹp người lính trong đoạn 3 tây tiến

Trong những năm bom rơi đạn nổ, chất lãng mạn bay bổng vượt lên trên hết thảy trở thành nơi trú ngụ của những tâm hồn đẹp. Vậy nên, hình ảnh áo bào trong câu thơ như một liều thuốc xoa dịu nỗi đau đớn, an ủi vong hồn người đã khuất. Những người lính Tây tiến về với đất mẹ, đất mẹ sinh ra anh và đất cũng mở rộng vòng tay đón các anh về trong tình yêu thương, đùm bọc, nâng đỡ và sẻ chia. Cho dù khâm liệm bằng manh chiếu, phên nứa nhưng đó cũng chính là chiến bào đưa các anh về với đất mẹ. Quang Dũng đã khơi gợi những tình cảm sâu xa đến tận đáy lòng người đọc để thấm thía hơn chân dung người lính tây tiến - hình ảnh những người con đã hi sinh tính mạng, xương máu và cả một thời tuổi trẻ cho dáng hình Tổ Quốc hôm nay. Bốn câu thơ cuối bài một lần nữa nhấn mạnh lời thề thiêng liêng vì tinh thần sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Dù khó khăn gian khổ nhưng không một người lính Tây Tiến nào thoái thác nhiệm vụ.

Tây Tiến người đi không hẹn ước,

Đường lên thăm thẳm một chia phôi.

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Tây Tiến là bài thơ xuất sắc của Quang Dũng và thơ ca kháng chiến chống Pháp. Với cảm hứng lãng mạn bay bổng và tinh thần bi tráng, Quang Dũng đã khắc họa thành công chân dung người lính tây tiến yêu nước, yêu đời, hào hoa, anh dũng. Với tác phẩm Tây Tiến, Quang Dũng đã góp vào kho tàng người chiến sĩ Việt Nam một bức chân dung đẹp và độc đáo.

  • Sách CCBook – Đọc là đỗ
  • Địa chỉ: Số 10 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Hotline: 024.3399.2266
  • Email: [email protected]

Nguồn: ccbook.vn

 

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: